Truy xuất nguồn gốc sản phẩm là hoạt động quan trọng trong sản xuất kinh doanh, góp phần bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và quản lý thị trường hiệu quả. Tuy nhiên, hiện nay, ít người tiêu dùng quan tâm đến nhãn dán trên sản phẩm, hàng hóa.
Phần lớn khách hàng không quan tâm đến tem nhãn truy xuất nguồn gốc
mà chỉ để ý đến sản phẩm có phù hợp với mình hay không
Hiện nay, sự đa dạng, phong phú của hàng hoá khiến cho không ít người tiêu dùng lúng túng trong việc chọn mua sản phẩm. Thông thường, để tránh nhầm lẫn, mua phải những loại hàng hoá, vật dụng không mong muốn, nhiều người đã tìm hiểu về hàng hoá cần mua qua nhiều cách khác nhau như: Thông qua quảng cáo trên báo, đài, tivi, tờ rơi, mạng internet; từ nhân viên marketing, bán hàng, các trang thông tin điện tử của nhà sản xuất, phân phối; mua và sử dụng những hàng hoá bởi sự nổi tiếng của nhãn hiệu, tên tuổi của nhà sản xuất; thông qua người thân, bạn bè, những người đã sử dụng hàng hoá trước đó; đến các trung tâm thương mại, siêu thị lớn để mua hàng...
Về nguyên tắc, tất cả các mặt hàng từ thực phẩm, nông sản, mỹ phẩm, quần áo… đều dán tem nhãn đầy đủ. Nhưng trên thực tế, hiện nay, vẫn còn nhiều người tiêu dùng mua hàng chưa quan tâm đến nhãn dán trên sản phẩm, hàng hóa.
Chị Trần Thị Ngọc Anh, quản lý cửa hàng thời trang Elise, đường Ngô Quyền, thành phố Vĩnh Yên cho biết: Các sản phẩm của cửa hàng đều được dán tem nhãn đầy đủ. Khách hàng hoàn toàn có thể truy xuất nguồn gốc xuất xứ, ngày sản xuất, hạn sử dụng, hướng dẫn sử dụng, chất liệu sản phẩm... Nhưng phần lớn khách hàng không quan tâm đến tem nhãn truy xuất nguồn gốc, mà chỉ để ý đến bộ quần áo có kiểu dáng như thế nào, phù hợp với mình hay không...
Tại Siêu thị Big C, Co.opMart và một số cửa hàng tiện ích trên địa bàn thành phố Vĩnh Yên, người tiêu dùng dễ dàng nhận thấy nhiều mặt hàng nông sản, thực phẩm, mỹ phẩm, quần áo… được dán các loại tem nhãn truy xuất nguồn gốc. Tuy nhiên, không mấy người mua hàng quan tâm, thậm chí, họ không biết tem truy xuất nguồn gốc dán ở đâu; hình dáng tem như thế nào...
Chị Nguyễn Kiều Minh, phường Đồng Tâm (Vĩnh Yên) cho biết: Tôi thường tìm những sản phẩm có thương hiệu nổi tiếng để mua, tại đó tôi chỉ thử xem có phù hợp hay không, giá tiền như thế nào, đáp ứng được yêu cầu hay không còn việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm thông qua tem có mã QR code (mã truy xuất) tôi thấy nó rườm rà, mỗi lần lựa chọn sản phẩm lại đưa điện thoại lên chụp, rồi tra cứu rất bất tiện.
Thực tế hiện nay, trên thị trường hàng hóa cũng như tại các siêu thị, trung tâm thương mại, các cửa hàng có thương hiệu, đặc biệt là tại các cửa hàng bách hóa tổng hợp,người tiêu dùng vẫn có thể mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng... Chị Nguyễn Thị Minh, thị trấn Vĩnh Tường (Vĩnh Tường) cho biết: Tôi mua một bao mì chính Miwon tại một cửa hàng lớn tại phường Ngô Quyền, thành phố Vĩnh Yên. Tin tưởng vào cửa hàng quen tôi thường chọn mua và nhìn vào sản phẩm có thương hiệu nổi tiếng. Tuy nhiên, khi về sử dụng chất lượng không đúng với quảng cáo trên bao bì sản phẩm.
Có thể nhận thấy, nguyên nhân lớn nhất để những sản phẩm không minh bạch về nguồn gốc xuất xứ tồn tại là do sự tiếp tay của chính người tiêu dùng. Thói quen khi mua hàng không kiểm tra nguồn gốc, thích mua hàng của các thương hiệu nổi tiếng, thích tiện lợi… đã góp phần tạo môi trường cho hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng lưu thông trên thị trường.
Bà Đặng Thị Minh Thúy, Chi cục trưởng, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng khuyến cáo người tiêu dùng: Để tránh mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, người tiêu dùng khi mua hàng hóa cần xem kỹ nhãn dán trên sản phẩm, hàng hóa. Vì trên nhãn sản phẩm bắt buộc ghi nguồn gốc xuất xứ, thông tin trên nhãn sản phẩm được cấp phép và kiểm soát chặt chẽ bởi cơ quan chức năng. Điều này được quy định rõ trong Nghị định 43/2017/NĐCP ngày 14/4/2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa.
Bài ảnh: Ngọc Thắng
File đính kèm: